Ý Nghĩa và Vai Trò Của Ngôi Nhà Trong Nếp Sống Người Việt

Ở đời người có ba việc trọng đại mà các Cụ xưa thường nhắc con cháu: Tậu trâu – Lấy vợ – Làm nhà. “Tậu trâu” ngày nay có lẽ tương đương với việc học hành để lo cho sự nghiệp; “Lấy vợ” là bước đầu xây dựng cho mình tổ ấm; “Làm nhà” chính là tổng hợp của hai việc trên. 

Căn nhà là nơi con người được che chở suốt cả cuộc đời. Vì thế mà đối với người xưa, công việc xây nhà có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được làm với một tấm lòng tha thiết và một hệ thống kiến thức rất phong phú, đa dạng.

Có dịp được về khảo sát một số ngôi nhà cổ (trên 100 năm) từ các đời vua Thành Thái tại xã Cổ Am – Vĩnh Bảo – Hải Phòng, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên và khâm phục trước các kiến thức uyên bác, sự cẩn trọng của người xưa trong việc xây dựng nhà cửa.

 

Một ngôi nhà cổ đặc trưng của Bắc Bộ

 

Việc đầu tiên trong công việc xây dựng nhà cửa có lẽ luôn là công việc khảo sát địa hình, chọn cho ngôi nhà một hướng để mở cửa. Người xưa gọi công việc này là định Sơn lập Hướng. 

Ngày nay, tại các đô thị, có lẽ do đất chật người đông và do không nắm vững các kỹ thuật xây dựng theo khoa học về Phong Thủy nên hướng của các ngôi nhà thường không được xem xét kỹ. 

Ngày xưa cổ nhân khi định Sơn lập Hướng trọng nhất là lấy được chính khí (Khí thuần thanh – hướng trường khí trong sạch không pha tạp). Tức là khí của bốn hướng chính Đông, Tây, Nam, Bắc. Một ngôi nhà xưa thường là nơi ở cho rất nhiều người, lại truyền qua nhiều đời nên không thể lấy theo mệnh trạch của gia chủ.

Sau này khi có dịp nghiên cứu nhiều các sách báo về kiến trúc, chúng ta lại thêm một lần khâm phục bởi các Kim Tự Tháp nổi tiếng của Ai Cập cổ đại cũng lấy hướng theo chính hướng. Tuy nhiên việc lấy hướng khí thuần thanh là việc không dễ và rất khó chọn, bởi nếu đặt chính xác một trăm phần trăm theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc thì sớm muộn ngôi nhà đó cũng sẽ bị lực xung động quá mạnh của trường khí làm ngôi nhà suy yếu. Còn nếu lấy quá lệch sang hai bên ngôi nhà sẽ dễ phạm phải các tuyến khí trường pha tạp (các Cụ xưa gọi là Tuyến không vong). 

Ngoài ra còn phải kết hợp với thiên vận, địa hình khu vực khi bắt đầu khởi công. Hầu hết các ngôi nhà đều được các bậc Thầy xưa lấy lệch sang 2 bên khoảng 3 độ. Tất cả đều tọa Tây hướng Đông hoặc Tọa Bắc hướng Nam, không có nhà nào xoay hướng khác. 

Như vậy chúng ta có thể thấy người xưa đã khéo kết hợp mọi yếu tố ngay từ việc hoạch định căn nhà khi nó chưa ra đời. Căn cứ theo địa hình của khu vực miền Bắc thì có hai hướng gió chủ yếu là Tây Bắc, Đông Nam. Khi lựa chọn các hướng chính này, nhà ở cũng tránh được các luồng gió trực tiếp thổi tới, đặc biệt trong mùa mưa bão.

Sau khi lập hướng, công việc tiếp theo là thi công công trình. Làm nhà có 3 lễ chính mà người xưa đặc biệt quan tâm, đó là: Đào móng, Thượng lương, Nhập trạch. Trong đó Thượng lương được coi là quan trọng nhất. Bởi nhà có phần nóc là quan trọng nhất, như các Cụ thường nói: “Con không cha như nhà không nóc!”.

Nhà không nóc thì không bao giờ gọi là nhà, cũng như con không có cha giáo dục thì nhất định không thành người tử tế (đây là quan niệm của người Việt xưa, ngày nay xã hội phát triển, nền giáo dục tiên tiến thì những quan niệm như vậy không còn hợp lý nữa). 

Lễ thượng lương thường rất kén chọn từ ngày giờ tốt, đến người đứng lễ cùng nhiều kiêng kỵ khác. Khi ngày giờ tốt đến mà chưa đến giai đoạn đặt nóc thì người xưa chọn một vị trí trang trọng làm một chỗ gác Lương. Vị trí đó đặc biệt cấm đàn bà qua lại, cấm chó mèo đến gần để tránh ô uế.

 

 

Lễ thượng lương cúng tế rất nghiêm trang. Thầy cúng thường là Thợ Cả (Xưa kia Thợ Cả kiê luôn Pháp Sư), đứng tế  là Nam chủ nhân. Sau các phép điểm lương, tế lương người ta treo ở đầu Lương một cành thiên tuế, một lá bùa Bát quái và một cuốn lịch vạn niên, với ngầm ý mong muốn ngôi nhà trường tồn thịnh vượng.

Cùng với xà chính (Lương) các xà khác cũng rất quan trọng và đều được thi công theo những số đo có quy chuẩn nhất định. Tại các thanh xà này thường ghi rõ ngày khởi công xây dựng, ngày tu sửa. Đối với một số căn nhà trong khi làm hoặc sau khi làm mà có xảy ra một số điều bất thường không hay, các Cụ thường trạm năm chữ: Càn, Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh lên xà ngang để trấn yểm. Nguyên những chữ này nằm trong Kinh Dịch thuộc quẻ Bát Thuần Càn là tượng trưng cho Trời thiêng liêng, đức lớn nên người xưa muốn mượn những chữ ấy mà trừ bỏ những điều không tốt.

Ngoài ra tại một số vùng quê khác ở đồng bằng bắc bộ khi xây dựng các căn nhà theo lối cổ người ta vẫn đưa năm chữ này lên. Theo khảo cứu thì năm chữ này cũng có trong câu thần chú Yên Thổ Địa Thần của Đạo Giáo Trung Hoa. Phải chăng người xưa cũng muốn dùng câu này để yên ổn đất đai sau một thời gian thi công động mạnh?

Có một số căn nhà khi đối chiếu các chữ thấy chỉ sau 12 năm đã tu sửa. Thật khó hình dung là những căn nhà được xây với toàn cột lim to lớn như vậy mà chỉ sau 12 năm đã xuống cấp (sau đó thì tồn tại hàng trăm năm). Rất có thể những ngôi nhà này sau 12 năm thì vận khí (Theo khoa học về Phong Thủy) đã suy yếu nên người ta dùng phương pháp này để cải vận (Tháp Khí), đế đón nhận thịnh khí của vận hội mới.

Kích cỡ của ngôi nhà và phần trang trí xưa kia được quy định rất nghiêm ngặt bởi thể chế của Nhà Nước (Triều Đình). Nhà thứ dân thì không được cao hơn quan phủ, phủ đệ thì không được cao hơn hoàng thành. Nhà dân thường không được phép dùng rồng để trang trí (kể cả là nhà giầu có), các đình chùa miếu mạo, quan phủ thì không được dùng rồng 5 móng tượng trưng cho Quân Vương.

Theo một số học giả nghiên cứu về kiến trúc cổ thì số đo cơ sở của cây thước dùng để xác định kích thước ngôi nhà là lấy chính theo số gang tay của chủ nhân khi xây dựng. Sau đó chia làm 8 cung gọi bằng tên các vì tinh tú trong chòm sao Thất Tinh: Tham Lang, Cự Môn, Lộc Tồn, Văn Xương, Vũ Khúc, Phá Quân, Phụ Bật. Tám ngôi sao này còn gọi là hệ thống sao Tử Bạch nên thước này có tên gọi là Áp Bạch Xích. Tất cả các số đo của ngôi nhà cũng như vật dụng đều lấy theo các cung tốt.

Nếu không được cung tốt họ sẽ lấy tiếp Thốn (Tấc) Bạch để lựa chọn. Thốn cơ sở là đốt giữa của ngón giữa (Tay trái cho nam, tay phải cho nữ). Các số đo này cũng dùng cho chủ nhân lúc vãn bóng để xây kim tĩnh, mộ phần (Theo một thứ tự khác với nhà ở). Nếu gia chủ không may sa sút mà phải bán nhà thì người chủ phải bàn giao cả cây thước cho chủ mới của ngôi nhà.


Kính chúc quý khách An Khang - Thịnh Vượng, mọi thông tin xin vui lòng liên hệ.

GỐM SỨ PHÙNG GIA - TINH HOA BÁT TRÀNG

Hotline: 094.333.8989

Website: gomsuphunggia.vn hoặc dothophunggia.vn

Email: gomsuphunggia@gmail.com


Miền bắc
1. Showroom Cầu Giấy - Hà Nội
Địa chỉ: Tầng 1, CC Đông Đô, Phố Nghĩa Đô, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội Điện thoại: 024.6686.3336 Hotline: 094.333.8989 Giờ mở cửa: Từ 9:00 đến 19:00 hàng ngày

2. Showroom Thanh Xuân - Hà Nội
Địa chỉ: 77 Nguyễn Xiển - Phường Hạ Đình, Quận Thânh Xuân, TP Hà Nội Điện thoại: 090.483.9595 Giờ làm việc: Từ 9:00 đến 19:00 hàng ngày.
3. Trụ sở và kho Bát Tràng
Địa chỉ: Thôn 1, Làng cổ Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội Điện thoại: 024.6686.3336 Hotline: 094.333.8989 Giờ mở cửa: Từ 8:00 đến 17:00 hàng ngày