Văn khấn khi Cúng Giỗ Người Đã Khuất - Đồ Thờ Phùng Gia

Văn khấn khi Cúng Giỗ Người Đã Khuất

 

Giỗ là một buổi lễ, nghi thức theo phong tục tập quán của người Việt nhằm tưởng nhớ đến những người đã mất. Giỗ được tổ chức vào đúng ngày mất theo âm lịch của người được thờ cúng. Ý nghĩa của giỗ là để nhắc nhở con cháu về những người đã đi trước; gắn kết tình cảm của các thành viên trong cùng một gia đình, dòng họ, đôi khi trong cùng nghề.

 

1. Ý nghĩa:

Cúng giỗ là một buổi lễ kỷ niệm ngày người mất qua đời quan trọng của người Việt, được tính theo âm lịch. Ngày này là ngày để thể hiện tấm lòng thủy chung, thương xót của người đang sống với người đã khuất, thể hiện đạo lý đối với tổ tiên.

Nhà giầu thì tổ chức làm giỗ linh đình, mời người thân trong dòng họ, bạn bè gần xa, anh bằng hữu về dự giỗ.

Nhà nghèo thì chỉ cần lưng cơm, đĩa muối, quả trứng, ba nén hương, một đôi nến và vài món ăn giản dị cúng người mất cũng đã có lòng thành kính đối với người đã mất.

Lòng thủy chung, thương xót người đã khuất chỉ phụ thuộc vào việc con cháu phải nhớ ngày người mất để làm giỗ, không liên quan đến việc làm giỗ lớn hay nhỏ.

Thân bằng, cố hữu của những người quá cố nếu thấy lưu luyến thì đến dự giỗ theo ngày đã định sẵn từ trước, không cần phải đợi đến thiệp mời như tiệc cưới, lễ mừng, không nên có chuyện “hữu thỉnh hữu lai, vô thỉnh bất đáo” có nghĩa là “Mời thì đến, không thì thôi”.

 

2. Cách khấn trong cúng giỗ:

– Nếu bố đã chết thì phải khấn là: Hiển khảo;

– Nếu mẹ đã chết thì phải khấn là: Hiển tỷ;

– Nếu ông đã chết thì phải khấn là: Tổ khảo;

– Nếu bà đã chết thì phải khấn là: Tổ tỷ;

– Nếu cụ ông đã chết thì phải khấn là: Tằng Tổ khảo;

– Nếu cụ bà đã chết thì phải khấn là: Tằng Tổ tỷ;

– Nếu anh hoặc em trai đã chết thì phải khấn là: Thệ huynh, Thệ đệ;

– Nếu chị hoặc em gái đã chết thì phải khấn là: Thệ tỵ, Thệ muội;

– Nếu cô, dì, thím, mợ, chú, bác, cậu đã chết thì phải khấn là: Bá thúc, cô dì, tỷ muội;

– Cũng có thể khấn chung là: Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ nội ngoại gia tiên.

 

3. Những hoạt động chính:

Sau khi cúng giỗ, gia đình thường dọn thức ăn vừa cúng xong để cùng ăn, coi như hưởng lộc của tiền nhân. Bạn bè thân thuộc cũng được mời đến dùng bữa, tức là đi ăn giỗ.

Một biến thể của việc cúng giỗ là tục thờ “hậu” do nhà chùa hay đình làng đảm nhiệm. Trong trường hợp này người quá cố đã cúng tiền hay ruộng vào chùa hay đình để được hưởng lễ vật vào những ngày kỵ nhật.

Trước khi hạ xuống, chủ nhà phải vái 3 vái ngắn (gọi là lễ tạ). Phải làm như vậy để tạ ơn gia tiên đã về thừa hưởng những lễ mà con cháu đã dâng lên.

Dịp này là để con cháu trong dòng họ tề tựu lại để cùng ăn giỗ, thăm hỏi tình hình lẫn nhau. Ngày Cát Kỵ thường chỉ mời khách nằm gọn trong gia đình, dòng tộc đến ăn giỗ (diện mời không rộng như Tiểu Tường và Đại Tường).

Gia chủ khăn áo chỉnh tề, bước vào khấn tổ tiên. Khách đến dự giỗ thì đặt đồ lễ lên bàn thờ, cùng gia chủ vái 4 lạy 3 vái. Sau khi gia chủ, khách khứa, bạn bè thân hữu khấn lễ xong xuôi thì đợi hết ba tuần hương thì gia chủ đứng trước bàn thờ để lễ tạ bằng ba vái ngắn rồi lấy đồ vàng mã đem đi đốt.

Cuối cùng, gia chủ bày bàn để mời khách khứa ăn giỗ, để cùng ôn lại những kỷ niệm về người đã khuất, đồng thời thăm hỏi về công việc lẫn nhau. Sau khi ăn giỗ xong, gia chủ hạ tất cả lễ vật trên bàn thờ, chia đều mỗi túi một hay nhiều thứ cho từng gia đình thân khách gọi là lộc của tổ tiên, bao gồm: hoa quả, bánh kẹo,….

 

4. Những ngày quan trọng trong cúng giỗ:

Trong thờ cúng tổ tiên, có ba ngày giỗ: Giỗ đầu, giỗ hết, giỗ thường.

Theo tập quán lâu đời, dân ta lấy ngày giỗ (ngày mất) làm trọng, cho nên ngày đó, ngoài việc thăm phần mộ, tùy gia cảnh và tùy vị trí người đã khuất mà cúng giỗ.

Đây cũng là dịp gặp mặt người thân trong gia đình trong dòng họ, họp mặt để tưởng nhớ người đã khuất và bàn việc người sống giữ gìn gia phong. 

Vào dịp đó người ta thường tổ chức ăn uống, nên mới gọi là ăn giỗ, thì cũng là trước cúng sau ăn, cũng là để cho cuộc gặp mặt đậm đà ấm cúng, kéo dài thời gian sum họp, kể chuyện tâm tình, chuyện làm ăn.

Với ý nghĩa “Uống nước nhớ nguồn” việc đó có thể xếp vào loại thuần phong mỹ tục.

 

5. Văn Khấn Ba Ngày Sau Khi Mất.

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Con lạy chín Phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

Con lạy Đức Đương cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương.

Con kính lạy ngài Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân.

Con kính lạy chư vị gia tiên Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ.

Hôm nay là ngày …………….. tháng …………… năm …………………

Con trai trưởng (hoặc cháu đích tôn) là …………………………………. vâng theo lệnh của mẫu thân (nếu là mẹ hoặc phụ mẫu nếu là cha), các chú bác, cùng anh rể, chị gái, các em trai gái dâu rể, con cháu nội ngoại kính lạy.

Nay nhân ngày lễ Tế Ngu theo nghi lễ cổ truyền, 

Kính dâng lễ mọn biểu lộ lòng thành.

Trước linh vị của: Hiển …………………………………… chân linh.

Xin kính cẩn trình thưa rằng.

Than ôi! Trên tòa Nam cực, lác đác sao thưa; (nếu khóc cha hoặc đổi là Bắc cực nếu khóc mẹ).

Trước chốn Giao trì, tờ mờ mây khóa.

Cơ tạo hóa làm chi ngang ngửa thế, bóng khích câu, khen khéo trêu người.

Chữ cương thường nghĩ lại ngậm ngùi thay, tình hiếu dễ chưa yên thỏa dạ.

Ơn nuôi nấng áo dày cơm nặng, biển trời khôn xiết biết công lao;

Nghĩ sớm hôm ấp lạnh quạt nồng, tơ tóc những hiềm chưa báo quả;

Ngờ đâu! Nhà Thung (nếu là cha hoặc Nhà Huyên nếu là mẹ) khuất núi, trời mây cách trở muôn trùng;

Chồi Tử mờ sương, âm dương xa vời đôi ngả.

Trông xe hạc lờ mờ ẩn bóng, cám cảnh cuộc phù sinh chưa mấy, gót tiên du đã lánh cõi trần ai.

Rồi khúc tằm áy náy trong lòng, thương thay hồn bất tử về đâu, cửa Phật độ biết nhờ ai hiện hóa.

Suối vàng thăm thẳm, sáng phụ thân (hoặc mẫu thân) một mình lìa khơi,

Giọt ngọc đầm đìa, đàn con cháu, hai hàng lã chã.

Lễ Sơ Ngu (hoặc Tái Ngu, Tam Ngu) theo tục cổ, trình bày:

Nhà đơn bạc, biết lấy gì để dóng dả.

Đành đã biết: đất nghĩa trời kinh, nào chỉ ba tuần nghi tiết, đủ lễ báo đền.

Cũng gọi là: lưng cơm chén nước, họa may chín suối anh linh, được về yên thỏa.

Ôi! Thương ôi!

Chúng con lễ bạc tâm thành, thành tâm kính lễ cúi xin được phù hộ độ trì.

Kính cáo!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

 

6. Văn khấn Cúng Lễ 49 Ngày và 100 Ngày.

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Con lạy chín Phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

Hôm nay là ngày ……….. tháng ………….. năm ……………….. âm lịch tức ngày ………… tháng ………… năm ………… dương lịch.

Tại (địa chỉ): ………………………………………

Con trai trưởng (hoặc cháu đích tôn) là: ……………………………….. vâng theo lệch của mẫu thân (nếu là mẹ hoặc phụ mẫu nếu là cha), các chú bác, cùng anh rể, chị gái, các em trai gái, dâu rể, con cháu nội ngoại kính lạy.

Nay nhân ngày lễ Chung Thất (lễ Tốt Khốc) theo nghi lễ cổ truyền, con kính cẩn sắm các thứ lễ vật gồm: ……………………………………………..

Kính dâng lễ mọn biểu lộ lòng thành.

Trước linh vị của Hiển: ……………………………… chân linh.

Xin kính cẩn trình thưa rằng:

Núi Hỗ sao mờ, nhà Thung bóng xế. (Nếu là cha) Núi Dĩ sao mờ, nhà Huyên bóng xế (Nếu là mẹ)

Tình nghĩa cha sinh mẹ dưỡng, biết là bao;

Công ơn biển rộng, trời cao khôn xiết kể.

Mấy lâu nay: Thở than trầm mộng mơ màng;

Tưởng nhớ âm dương vắng vẻ.

Sống thời lai lai láng láng, hởn hở chừng nào!

Thác thời kể tháng kể ngày, buồn tênh mọi lẽ!

Ngày qua tháng lại, tính đến nay Chung Thất (hoặc Tốt Khốc) tới tuần.

Lễ bạc tâm thành gọi là có nén hương kính tế.

Xin mời: Hiển ………………………………………

Hiển …………………………………………………

Hiển …………………………………………………

Cùng các vị Tiên linh, Tổ Bá, Tổ Thúc, Tổ Cô, và các vong linh phụ thờ theo Tiên Tổ cùng về hâm hưởng.

Kính cáo: Liệt vị Tôn thần: Táo Quân, Thổ Công, Thánh Sư, Tiên Sư, Ngũ tự Gia thần cùng chứng giám và phù hộ cho toàn gia được mọi sự yên lành tốt đẹp.

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!


Kính chúc quý khách An Khang - Thịnh Vượng, mọi thông tin xin vui lòng liên hệ.

GỐM SỨ PHÙNG GIA - TINH HOA BÁT TRÀNG

Hotline: 094.333.8989

Website: gomsuphunggia.vn hoặc dothophunggia.vn

Email: gomsuphunggia@gmail.com


Miền bắc
1. Showroom Cầu Giấy - Hà Nội
Địa chỉ: Tầng 1, CC Đông Đô, Phố Nghĩa Đô, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội Điện thoại: 024.6686.3336 Hotline: 094.333.8989 Giờ mở cửa: Từ 9:00 đến 19:00 hàng ngày

2. Showroom Thanh Xuân - Hà Nội
Địa chỉ: 77 Nguyễn Xiển - Phường Hạ Đình, Quận Thânh Xuân, TP Hà Nội Điện thoại: 090.483.9595 Giờ làm việc: Từ 9:00 đến 19:00 hàng ngày.
3. Trụ sở và kho Bát Tràng
Địa chỉ: Thôn 1, Làng cổ Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội Điện thoại: 024.6686.3336 Hotline: 094.333.8989 Giờ mở cửa: Từ 8:00 đến 17:00 hàng ngày