Những ngôi chùa nổi tiếng đất Thăng Long Hà Nội (Phần cuối)
6. Chùa Kim Liên:
Chùa được dựng trên dải đất của làng Nghi Tàm, bên bờ hồ Tây, nay thuộc phường Nghi Tàm, quận Tây Hồ. Tương truyền nơi dựng chùa là nền cũ của cung Từ Hoa có từ đời Lý. Nguyên công chúa Từ Hoa, con gái vua Lý Thần Tông (1128-1138) đã đem cung nữ tới khu vực này trồng dâu, nuôi tằm, mở ra trại Tàm Tang (tằm dâu). Trại này sau đổi tên là phường Nghi Tàm.
Kiểu kiến trúc mái vòm cong tại cổng đặc sắc của Chùa Liên Phái
Chùa có từ thế kỷ 17, theo tấm bia hiện còn trong chùa soạn ra có nêu: chùa vốn có tên là Đại Bi dựng vào năm 1631. Bảy năm sau, nhân dân góp công để mở rộng thêm khu chùa. Đến năm 1771, chúa Trịnh lại cho dỡ chùa Bảo Lâm ở Tây kinh thành về tu bổ lại chùa này và đổi tên chùa là Kim Liên. Cái tên Kim Liên có từ đó, nhưng diện mạo chùa như hiện nay là do lần trùng tu vào năm 1972 với bố cục theo kiểu chữ “tam”, gồm ba nếp, mỗi nếp có hai tầng mái. Các đầu đao cong vút, mềm mại.
Chùa có từ thế kỷ 17 với lối kiến trúc xây dựng độc đáo
Trong chùa có một pho tượng quý khiến giới sử học hết sức quan tâm đó là pho tượng có hình dạng như một người trung niên, râu ba chòm, mình mặc áo cà sa, tay cồm hốt, đầu lại đội mũ dành cho vua quan. Có thuyết bảo đó là tượng chúa Trịnh. Nhưng cũng có người cho rằng đó là tượng của một vị hòa thượng coi giữ chùa, nguyên là nội thị trong phủ chúa Trịnh.
Sân sau nơi các gian phòng nghỉ ngơi của tăng, ni, phật tử trong chùa
Ngoài pho tượng này (có cách đây hơn hai trăm năm), ở gian giữa chùa có bức hoành phi “Hoàng uẩn” (có nghĩa là: Đạo lý sâu sắc và rộng rãi) làm vào năm 1870. Còn hoành phi “Liên hoa hải hội” (có nghĩa là: Cảnh sum vầy vui đẹp nước Phật) thì mới được làm năm 1930.
Một phần khu thờ Phật bên trong ngôi chùa
Trong cuốn “Văn hóa Việt Nam tổng hợp 1989-1995” do Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương xuất bản đã đánh giá chùa Kim Liên là một trong 10 di tích kiến trúc cổ đặc sắc nhất Việt Nam.
7. Chùa Liên Phái:
Ở giữa phố Bạch Mai nội thành Hà Nội, có một cái ngõ tên là ngõ chùa Liên Phái. Đó chính là lối dẫn vào ngôi chùa Liên Phái cổ kính. Hai bên cổng là hai hồ rộng, ngay ở cổng chùa có tháp Diệu Quang cao 10 tầng hình lục lăng. Tiếp đến là nhà bia có tấm bia kể lại sự tích chùa. Qua sân rộng là nhà bái đường, sau đó là hậu cung. Một khoảnh sân trồng hoa ngăn cách hậu cung với nhà tổ.
Trong chùa có 15 pho tượng. Điều khiến cho chùa Liên Phái được coi như một di tích lịch sử giá trị chính là khu vườn tháp phía sau chùa. Tại đó, trên một gò đất cao có 9 ngôi tháp xây thành 3 hàng: Hàng thứ nhất có hai ngôi, hàng giữa có năm ngôi và hàng sau hai ngôi. Hàng giữa choán phần cao nhất có ngôi tháp Cứu Sinh bằng đá là nơi táng hài cốt vị sư tổ thứ nhất, đồng thời là người sáng lập ra chùa Liên Phái – Phò mã Trịnh Thập.
Một góc khu thờ tự bên trong chùa Liên Phái
Trịnh Thập (hay Hợp, sinh năm 1696, mất năm 1733) là một tôn thất họ Trịnh được lập phủ đệ riêng ở phường Hồng Mai (nay là Bạch Mai). Một lần Trịnh Thập cho đào đất ở gò cao sau nhà để xây bể nước thì thấy trong lòng đất có một tảng đá hình ngó sen. Ông cho đó là dấu hiệu của Phật và tin rằng mình có duyên với đạo này. Sau đó, Trịnh Thập biến phủ đệ của mình thành chùa Liên Tông, đồng thời xuống tóc đi tu và trở thành vị tổ thứ nhất của chùa này. Ông mất năm 37 tuổi, hài cốt được táng trong ngôi tháp xây ở giữa gò, nơi từng đào được ngó sen đá, đó là tháp Cứu Sinh. Theo một tấm bia hiện còn ở chùa khắc năm 1857 thì chùa được xây vào năm 1726.
Các tháp nhỏ bên trong chùa Liên Phái
Đến thế kỷ 19, chùa Liên Tông đổi tên thành Liên Phái. Như vậy, ngôi chùa đã trên 250 năm, ngôi tháp Cứu Sinh cũng ngần ấy tuổi. Đây là ngôi tháp cổ có lai lịch rõ ràng nhất, hiện ở khu vực nội thành Hà Nội. Chùa được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử văn hóa ngày 28/4/1962.
Kính chúc quý khách An Khang - Thịnh Vượng, mọi thông tin xin vui lòng liên hệ.
GỐM SỨ PHÙNG GIA - TINH HOA BÁT TRÀNG
Hotline: 094.333.8989
Website: gomsuphunggia.vn hoặc dothophunggia.vn
Email: gomsuphunggia@gmail.com